Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Thánh Mẫu (Bà Chúa) Thoải Phủ vốn là con Vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình, theo lời Vương Phụ, bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Một buổi, Kính Xuyên đi vắng, tiểu thiếp Thảo Mai tìm cách giả đồ thư để hãm hại bà. Kính Xuyên mù quáng, nghe lời Thảo Mai vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt.

Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn tình cờ gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Cảm thương trước nỗi oan của bà, Liễu Nghị theo lời ngỏ, mang thư của bà về đến Hồ Động Đình, kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó vua cha sai người đi đón và bà được minh oan, rồi kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt.

Sau này, theo một số câu chuyện, bà thường hiển linh, phù hộ cho những người đi biển khỏi sóng to gió lớn nên được nhân dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp nơi cửa sông, cửa biển.

Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Trung Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.

Vậy nên trong văn thỉnh Đức Thánh Mẫu cũng có hát rằng:

Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng, và có ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông.

Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.